Năm 2021 là một năm thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và thiếu bền vững do các tác động tiêu cực của Covid-19. Bước sang năm 2022, câu chuyện của ngành bất động sản sẽ có nhiều thay đổi, trong đó 3 yếu tố là các gói kích thích kinh tế, sự tích cực của nhà đầu tư nước ngoài và sự chuyển mình của nhà đầu tư trong nước sẽ tạo ra những khác biệt rõ rệt.
3 yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022
Các gói kích thích kinh tế
Bất động sản và ngân hàng vẫn là tâm điểm của giới đầu tư với nhiều cổ phiếu liên tục tăng nóng. Động lực, thúc đẩy tăng giá chính là từ câu chuyện gói kích thích kinh tế 800.000 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD), tương đương 15% GDP năm 2020 của Việt Nam, đang được “thai nghén”. Việt Nam cũng đang theo đuổi chiến lược phục hồi kinh tế tương tự nhiều nền kinh tế khác, tất cả đều cần một gói kích thích kinh tế lớn giống như Mỹ (27,9% GDP), Thái Lan (8,8% GDP), Nhật Bản (44,8% GDP).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi thực hiện thì tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021 - 2025 dự báo đạt khoảng 6,4 – 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 7%/năm).
Trong đó, giai đoạn thực hiện 2022 - 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Trong đó chương trình về đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp và chương trình phát triển cơ cấu hạ tầng được coi là có tác động đáng chú ý nhất lên nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát có thể tăng trong năm 2022, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ đổ vốn vào bất động sản để đảm bảo giá trị tài sản. Việc tăng hoặc giảm lãi suất cũng sẽ tác động đến giá bất động sản, chủ yếu là ở phân khúc giá thấp hơn.
Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2021, bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI với 2,41 tỷ USD.
Các báo cáo trước đó của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills cũng nhận định, bất chấp tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, các nhà đầu tư ngoại vẫn thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở nhóm dự án nhà ở, nhóm bất động sản công nghiệp. Những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 tại Quảng Ninh, Bắc Giang phần lớn được "rót" tiền bởi các nhà đầu tư Hồng Kông và Singapore.
Bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều chủ đầu tư nước ngoài có cơ hội giải quyết vấn đề khan hiếm đất sạch và giá đất liên tục leo thang suốt 3 năm qua. Họ đang rất chủ động trong việc hợp tác với các tập đoàn bất động sản trong nước tại những dự án có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao các nền tảng ở Việt Nam như lao động, sự phát triển nhanh, mạnh về hạ tầng tại các thành phố lớn, liên tỉnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về pháp lý. Những điều này đã tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến dòng vốn ngoại chảy vào. Đồng thời, khi kinh tế dần khôi phục trở lại, thì việc sở hữu quy hoạch tốt, hạ tầng phát triển, cơ cấu dân số vàng và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu sẽ là động lực lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại về những thay đổi tích cực trong thời gian tới của thị trường, chủ yếu là do sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.
Sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam
Bên cạnh các chương trình kích thích kinh tế và dòng vốn ngoại, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự chuyển mình mạnh mẽ của các chủ đầu tư Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” vào ngày 28/10, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động, đại dịch là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận lại hoạt động, thứ nhất là chất lượng sản phẩm; thứ hai là giá cả hợp lý và có nhiều phân khúc đáp ứng nhu cầu của người mua ở và cả đầu tư; thứ ba là pháp lý phải minh bạch, rõ ràng; thứ tư là môi trường sống phải tốt hơn; thứ năm là doanh nghiệp phải hướng hướng tới mục tiêu vì cộng đồng; thứ sáu là xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh; thứ bảy là ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh và thứ tám là tận dụng kênh truyền thông uy tín là báo, đài để đưa sản phẩm đến khách hàng”.
Thống kê của ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đưa ra tại hội thảo này cho thấy khoảng 70% sàn bất động sản đã ngừng hoạt động, nhiều nhân lực trong lĩnh vực chịu không ít thiệt thời. Gần 30% hoạt động nhưng trong đó chỉ 30-50% sàn có giao dịch nhưng giao dịch chỉ cầm chừng. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Việt đang cho thấy tính kiên trì và bền bỉ cũng những thay đổi về mô hình phát triển và đẩy nhanh quá trình số hóa trong vận hành để tăng tính hiệu quả và linh hoạt.
Theo cafeland.vn