Ảnh hưởng của dịch Covid-19: Người lo lắng thì gửi tiền ngân hàng, người lạc quan hơn vẫn mua đất

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS “ngấm đòn” ở hầu hết các phân khúc. Tâm lý lo lắng có vẻ đang bao trùm thị trường nhưng mỗi nhà đầu tư có cách để nắm giữ dòng tiền của mình.

Theo ghi nhận chung, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến thanh khoản các dự án, còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS hiện nay. Tâm lý lo lắng dịch bệnh đã khiến người mua BĐS, trong đó có giới đầu tư ưu tiên đặt vấn đề sức khỏe lên trên thay vì tập trung ở chốn đông người. Nhiều sàn BĐS vì thế “ngồi chơi xơi nước” suốt thời gian qua.

Theo thông tin mới đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, do khó khăn trăm bề đã có khoảng 300 sàn giao dịch BĐS đóng cửa, 500 sàn tạm dừng hoạt động một phần.

Theo một sàn BĐS thuộc địa bàn tỉnh giáp ranh Tp.HCM, thời điểm chưa có dịch một tháng sàn giao dịch ổn định khoảng 60-90 nền đất (tháng cao điểm), khoảng 20-30 giao dịch đối với các tháng chậm. Nhưng khoảng 2 tháng nay, mỗi tháng sàn chỉ bán được tầm 18-25 nền. Dù chậm hẳn so với trước nhưng nếu so với thị trường Tp.HCM thì còn khá ổn.

Khó khăn chung của thị trường đang bị bao trùm bởi tâm lý lo lắng dịch bệnh của khách hàng. Chính vì thế, BĐS dường như cũng “im ắng” hẳn. Tuy nhiên, theo các sàn BĐS và chuyên gia, hiện nay trên thị trường, NĐT cũng phân ra nhiều dạng. Người lo lắng thì đem tiền gửi ngân hàng, người lạc quan hơn thì vẫn mua đất. Do dịch bệnh nên lượng người đi xem đất giảm sút nhưng theo các môi giới, khá nhiều NĐT họ vẫn giữ dòng tiền để đi tìm mua BĐS khi dịch bệnh thuyên giảm.

Ghi nhận từ một số NĐT cho thấy, họ lạc quan là bởi so với các kênh khác thì thực tế đất đai vẫn là tài sản không những để ở mà còn có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu so với các kênh đầu tư như vàng, hay chứng khoán thì khách quan mà nói BĐS vẫn là nhu cầu gắn liền thiết thực với tâm lý sở hữu của số đông. Dù biến động nhưng nhu cầu chỗ ở luôn có và không thể mất đi.

Chính vì thế, dòng tiền của NĐT vẫn âm thầm chảy vào các phân khúc BĐS được xem là an toàn, phần nào ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo tìm hiểu, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, thì nhà phố xây sẵn có pháp lý đầy đủ và đất nền có sổ vẫn được NĐT ưa chuộng. Bởi loại hình này có thể mua bán sang tên ngay, chuyển nhượng dễ dàng và không bị ràng buộc bởi dạng mua bán hợp đồng.

Một số NĐT có kinh nghiệm cho hay, so với mua đất hợp đồng của công ty dạng góp vốn thì mua đất nền đã có sổ sách (có thể đất lẻ trong dân) có tính thanh khoản và biên lợi nhuận cao hơn. Bởi đất nền đã có sổ thì việc mua bán không phụ thuộc vào công ty, vừa vay vốn được khi cần, trong khi giá trị gia tăng lại cao hơn nên được NĐT ưa chuộng Không thể phủ nhận, ngoài dịch bệnh thì thời gian qua, các thông tin xấu liên quan đến các dự án ma, hay việc CĐT không ra sổ đúng hẹn cho khách hàng… đã ảnh hưởng rõ nét đến tâm lý của khách mua BĐS.

Năm 2020 sẽ là một năm đối diện với nhiều thách thức mà theo các chuyên gia thách thức lớn nhất là niềm tin của khách hàng vào thị trường BĐS bị sụt giảm. Bên cạnh các NĐT vẫn lạc quan vào thị trường lúc khó khăn thì một số NĐT cũng giải bày, ở thời điểm này họ thu dòng tiền về, giữ ở ngân hàng, đợi thời điểm tốt hơn sẽ rút ra đầu tư. Cách này theo NĐT vừa bảo quản được sự an toàn của dòng tiền, đồng thời tránh “hao” tài sản nếu thị trường đi xuống.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường BĐS ở thời điểm này vẫn được xem ở ngưỡng ổn định. Vì thế, với những NĐT có tầm nhìn dài hạn thì họ vẫn chọn cách “bỏ tiền” vào BĐS. Theo một số chuyên gia, dịch Covid-19 rồi sẽ đi qua, cơ hội sẽ thuộc về các NĐT có tầm nhìn dài hạn.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, không vì thị trường khó khăn mà NĐT rời bỏ thị trường. Dòng tiền của NĐT có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Nhưng, với những NĐT có kinh nghiệm ở lĩnh vực BĐS lâu năm thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, chậm dãi và an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.

Thực tế, trên thị trường hiện nay, nhiều NĐT vẫn âm thầm tìm kiếm BĐS ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn. Tuy giao dịch có chững hơn so với thời điểm trước dịch nhưng thực tế, nhiều NĐT vẫn mua ra, bán vào với biên độ lợi nhuận khá ổn ở giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay.

theo cafef.vn