Nhiều ý cho rằng, việc thực hiện giá trần cho loại hình căn hộ thương mại có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 để thực hiện hóa ước mơ “an cư lập nghiệp” của nhiều người dân hiện nay còn nhiều nút thắt cần được giải quyết vì đơn giản nói thì dễ nhưng làm rất khó.
Phân tích về việc đại diện Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ về giá trần dành cho các căn hộ thương mại có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 20 triệu/m2, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, đây là một gói chủ trương tốt của Chính phủ cũng như các bộ liên ngành liên quan, có tác động tích cực đến người có thu nhập vừa và thấp cũng như là người thế yếu trong xã hội và điều này tất yếu cho các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, để hiện thực hóa nghị quyết đến thực tế cuộc sống, còn có một số nút thắt cần được giải quyết một cách triệt để.
Thứ nhất, đó là vấn đề về quỹ đất. Quỹ đất dành cho nhà ở thương mại giá rẻ trong nội đô TPHCM và Hà Nội đang là bán toán khó cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Để làm được căn hộ thương mại giá 20 triệu/m2 là bài toán khó đối với các doanh nghiệp hiện nay tại TP Hà Nội, TP HCM khi còn nhiều nút thắt.
Thứ hai, là những tồn tại trong vấn đề pháp lý, phê duyệt chính sách từ lúc chấp thuận chủ trương, nghị quyết của Bộ Xây dựng tới việc thống nhất của các ban ngành liên quan, cho đến khi ra được giấy phép xây dựng và quyết định khởi công của dự án.
Thứ ba là biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp thực hiện dự án, nhu cầu và sức mua tuy lớn nhưng biên độ lợi nhuận lại rất mỏng. Điều đó giải thích cho việc trong thời gian vừa qua, rổ hàng của phân khúc này không nhiều, phải chăng có khúc mắc mà các nhà đầu tư không có mặn mà gì với thị trường này?
Và cuối cùng có thể kể đến chất lượng của bản than sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ. Tuy không thể so sánh với các phân khúc trung và cao cấp hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo được những tiêu chuẩn cơ bản trong hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, về chất lượng an toàn xây dựng, cơ sở hạ tầng đi kèm như điện đường trường trạm, hệ thống cảnh quan, hệ thống hạ tầng giao thông. Vấn đề này đặt ra nhiều nỗ lực của các cơ quan ban ngành địa phương và Nhà nước, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ tài chính…
Vì vậy, nếu những rào cản trước mắt này được giải quyết một cách triệt để vào đồng bộ, tạo ra những quỹ đất tốt, thủ tục trôi chảy và thuận tiện, nghị quyết mới này của Chính phủ sẽ có khả năng rất cao được hiện thực hóa, mang lại nhiều động lực và hứng thú cho các nhà đầu tư bất động sản trong tương lai. Việc này cũng đồng thời là câu trả lời cho những vướng mắc của các nhà phát triển bất động sản hiện nay, về những kiến nghị yêu cầu trong việc miễn giảm và gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất.
Đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời trong bối cảnh khó khăn chung hiện này của cả thị trường, nhưng để có thể xử lý một cách triệt để, ông Khương cho rằng vẫn cần sự quyết liệt trong việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ cho đến các bộ ban ngành địa phương, và sự chung tay hợp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, để thực hiện hóa ước mơ “an cư lập nghiệp” của người dân.
Theo cafef.vn