Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành cùng các địa phương vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng thời từng địa phương phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân
Yêu cầu không có địa phương nào tăng trưởng âm
Ngày 3.8.2020, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo Số: 271/ TB – VPCP truyền đạt ý kiến kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm chính trị của từng tỉnh, thành phố.
Cụ thể, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm với mục tiêu là tăng trưởng kinh tế của hai vùng năm 2020 không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước và không có tỉnh, thành phố nào tăng trưởng âm. Đặc biệt, phải phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 ( bao gồm cả vốn ODA ).
Các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tăng cường điều phối, kết nối, liên kết vùng; tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế đêm,…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành cùng các địa phương vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng thời từng địa phương phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân,… Đặc biệt, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, điều hành.
Bổ sung quy hoạch khu công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI trên địa bàn đạt 490 triệu USD; trong đó cấp mới 37 dự án với vốn đăng ký hơn 112 triệu USD. Thành công bước đầu trong phòng chống dịch COVID-19, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hệ thống giao thông kết nối rộng khắp, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào… là những yếu tố tạo nên sức hút để đón các dự án đầu tư chất lượng cao dịch chuyển vào Việt Nam.
Cũng như một số địa phương, Đồng Nai nằm ở cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có số lượng lớn các khu công nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 10.240ha; trong đó, có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Các khu công nghiệp tại Đồng Nai đã cho thuê được hơn 5.800ha trên tổng số 7.100ha diện tích đất công nghiệp, đạt 81,7%.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, tạo liên kết vùng, kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển và hành lang vận tải quốc tế.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các địa phương sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất rừng ởTây Nguyên, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật.
Các tỉnh, thành phố áp dụng ngay từ ngày 15.8.2020 một số quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng như, miễn giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng, giao UBND các tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt.
Ngoài ra, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh để không xảy ra tình trạng trì trệ trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020,…
Đặc biệt, đối với 121 nội dung kiến nghị của các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sớm nghiên cứu, xem xét giải quyết cụ thể, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31.8.2020.
Theo: cafeland