Điểm sáng thị trường châu Á - Thái Bình Dương năm tới: BĐS công nghiệp và kho vận

CBRE Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá triển vọng thị trường bất động sản (BĐS) khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ cuối năm nay tới 2021. Đơn vị này kỳ vọng sự phát triển của thị trường nhờ diễn biến sôi động từ phân khúc BĐS công nghiệp, kho vận và dấu hiệu phục hồi nhu cầu thuê văn phòng. Các mảng thị trường khác sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng phát triển mới. 

Theo CBRE, sự phát triển của ngành thương mại điện tử sẽ góp phần định hình mảng công nghiệp và hậu cần. Những sản phẩm nhà kho hiện đại đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của khách thuê. Ngoài ra, thị trường còn có thêm nguồn cầu từ các đơn vị bán lẻ gia tăng không gian lưu trữ hàng hóa để đáp ứng sự biến động nhu cầu tiêu dùng và từ các đơn vị sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chỉ số Quản lý thu mua (Purchasing Managers Indexes) trong tháng 6 của Trung Quốc, Australia và Việt Nam đều tăng trưởng khá tốt. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu thuê kho lạnh tăng nhanh nhờ vào các hoạt động mua sắm trực tuyến thực phẩm tươi sống và tạp hóa tổng hợp. Nhu cầu thuê đến từ những công ty thương mại điện tử và các công ty logistics 3PL giúp thu hút nhà đầu tư. 

Với thị trường văn phòng, trong năm nay, CBRE Việt Nam nhận thấy xu hướng khách thuê trả mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê, dẫn đến sự tăng nhẹ của tỷ lệ trống lên 1 điểm % trước khi hồi phục vào năm sau. Giá thuê dự kiến sẽ giảm  3 - 6% trong năm 2021. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chính sách vừa làm việc tại nhà và tại văn phòng xen kẽ các ngày trong tuần. Một vài văn phòng cũng trang bị những biện pháp phòng chống dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội trong ngắn hạn như đề biển báo, tạm thời đóng những khu vực sinh hoạt chung, giảm tải số lượng nhân viên trong văn phòng hoặc chuyển văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm. 

Nhu cầu thuê văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây, nhờ vào thị trường Đài Bắc và một số thị trường tại Nhật kết hợp với việc tăng mạnh hoạt động thuê ở Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng số lượng yêu cầu thuê sẽ tăng mạnh trở lại vào quý IV.

Chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch, ngành du lịch nghỉ dưỡng được kì vọng sẽ dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Tuy vậy, CBRE Việt Nam cho rằng chỉ đến khi nhóm khách du lịch theo mục đích công tác hoặc khách đoàn hoạt động sôi nổi trở lại, thị trường khách sạn mới có thể phục hồi hoàn toàn. Thị trường khách sạn cũng đã từng phải mất gần 2,5 năm để khôi phục lại sau sự kiện 11/9 tại Mỹ và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát khiến doanh thu ngành khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề và điều này sẽ dẫn đến việc nhiều khách sạn sẽ chọn hướng đến việc tái định vị, chào bán và thậm chí đóng cửa hoạt động tạm thời.

Tại một số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với quy mô thị trường khách nội địa lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, thị trường khách sạn đã từng bước ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực trong vài tháng trở lại đây, chủ yếu nhờ vào sự lên ngôi của xu hướng bình thường mới. Du lịch theo hình thức doanh nghiệp và du lịch đại trà có thể sẽ tiếp tục sôi động trở lại trong năm 2021. Một số nhà đầu tư trên thị trường đang tìm kiếm cơ hội chuyển đổi khách sạn thành các mô hình chia sẻ không gian sống chung nhằm tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận cho thuê.

Nguồn: NDH