Nhiều người kỳ vọng, giá bất động sản sẽ giảm sâu sau Covid-19. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm, điều này chưa xảy ra.
Môi giới bất động sản bận rộn trở lại Từ sau lệnh nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, Thanh Tuyết, nhân viên môi giới tự do chuyên phân khúc nhà phố tại khu vực Gò Vấp (TP.HCM), đã quay trở lại với guồng quay công việc như trước đây. Ngày hai buổi, cô nhân viên môi giới này bận rộn với những cuộc hẹn dẫn khách đi xem nhà.
“Thời điểm này có nhiều người cần tiền để xoay sở công việc nên sẵn sàng hạ giá bán so với mức giá kỳ vọng. Đây là cơ hội khá tốt, nhiều khách hàng có nguồn tài chính đã quyết định xuống tiền chứ không chần chừ”, Thanh Tuyết cho biết. Không chỉ phân khúc nhà phố, các dự án căn hộ chung cư có giá từ 1,5 đến 2 tỉ đồng/căn cũng khá sôi động trên thị trường thứ cấp. Đặc biệt đối với những dự án đã hoặc sắp bàn giao, giao dịch sôi động hơn hẳn.
Theo giải thích của các nhân viên môi giới, nhóm khách mua dạng đa phần là người mua để ở nên chấp nhận mức giá chênh lệch. Với các dự án chưa hoàn thành, nhiều doanh nghiệp đưa ra những chính sách bán hàng tốt, từ chiết khấu đến hỗ trợ vay vốn để thu hút khách hàng.
Thêm nữa, thời gian qua, các dự án mở bán mới ở khu vực giáp ranh TP.HCM đã đẩy giá lên khá cao, thậm chí cao hơn các căn hộ ở vùng ven TP.HCM. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định xuống tiền của nhiều người. Tình hình mua bán bất động sản trong thời dịch Covid-19 được thể hiện rõ nét hơn qua số liệu của các đơn vị thống kê.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 1 vừa qua có 2.816 giao dịch thành công. Giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp tăng giá khoảng 2,75%, còn nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá đã chạm đáy?
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cen Group, cho rằng đại dịch Covid-19 đang để lại những ảnh hưởng chưa từng có đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Dịch bệnh này sẽ còn ảnh hưởng dai dẳng đến nền kinh tế trong một thời gian dài cho đến khi con người tìm ra cách khống chế.
Hiện có nhiều kịch bản được đưa ra để dự báo cho nền kinh tế và thị trường bất động sản hậu Covid-19, trong đó có kịch bản hình chữ U, chữ V và chữ L. Tuy nhiên, với bất kỳ kịch bản nào của thị trường, ông Hưng cũng cho rằng, việc phán đoán thời điểm nào là “đáy” của thị trường là không dễ. Thông thường, trong mỗi chu kỳ khủng hoảng, đáy bất động sản xuất hiện khi thị trường bắt đầu tăng tính thanh khoản, có nhiều giao dịch hơn sau thời gian trầm lắng.
Song trong giai đoạn này, giá bất động sản chưa tăng mạnh nên các nhà đầu tư không có xu hướng mua vào. Chỉ khi giao dịch thực sự sôi động, các nhà đầu tư mới rục rịch trở lại. Tuy nhiên, nếu chờ đến thời điểm này, các nhà đầu tư có thể đã bỏ qua cơ hội. Bởi vì những sản phẩm đẹp không còn. “Do đó, câu hỏi đã đến đáy chưa chỉ có thể trả lời được khi bất động sản thoát đáy, khi đó mới có thể định vị được đâu là đáy của thị trường”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, với thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, không nên kỳ vọng giá bất động sản giảm mạnh. Nguyên nhân là do nguồn cầu của thị trường hiện vẫn còn rất lớn, thu nhập của người dân đang dần cải thiện. Phải 10-20 năm nữa thị trường bất động sản mới có thể bão hoà.
Trong một buổi tọa đàm mới đây, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng với bất động sản nhà ở không nên quá lo lắng. Theo chuyên gia này, trước nay giai đoạn đầu năm thường ít sôi động hơn nửa cuối năm.
Thêm vào đó, năm nay là năm nhuận theo âm lịch, nên dù thị trường bất động sản có ảnh hưởng và suy giảm trong 3 tháng qua thì vẫn còn đến 9 tháng để phục hồi.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/gia-bat-dong-san-se-giam-sau-87859.html