Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp - thương mại - dịch vụ nên khu vực trung tâm TP.Biên Hòa thu hút động người dân đến sinh sống, dẫn đến hạ tầng quá tải. Do đó, giãn dân từ nội ô đến vùng ven trung tâm TP.Biên Hòa sẽ giảm bớt áp lực về nơi ở và hạ tầng kỹ thuật.
Một khu đô thị mới được đầu tư xây dựng tại xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) có đầy đủ các tiện ích đi kèm. Ảnh: Hương Giang
Hiện nay, Đồng Nai nằm trong top 5 tỉnh thành đông dân nhất Việt Nam với 3,2 triệu người và có đến 40% dân số tập trung ở TP.Biên Hòa. Do đó, việc mở thêm các đô thị mới ở vùng ven thành phố sẽ giãn dân trong trung tâm ra, giảm được tình trạng quá tải về hạ tầng cho nội ô, đồng thời giúp cho người dân có nơi sinh sống chất lượng hơn.
Thành phố đông dân nhất cả nước
Với gần 1,3 triệu dân, TP.Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước và với tốc độ đô thị hóa nhanh thì dân số tại thành phố tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Một số kiến trúc sư cho rằng, 4-5 năm trở lại đây, hạ tầng kỹ thuật của khu vực trung tâm TP.Biên Hòa ngày càng trở lên quá tải, không gian sống bị bó hẹp như một đô thị nén. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư theo kịp với quá trình tăng dân số nên thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe, ngập úng trong mùa mưa, thiếu công viên, mảng xanh, bãi đậu xe, nơi vui chơi giải trí… Do đó, quy hoạch sử dụng đất để xây dựng các khu đô thị (KĐT) mới có đầy đủ tiện ích đi kèm ở vùng ven trung tâm TP.Biên Hòa để giãn dân là rất cần thiết.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà nhận xét, TP.Biên Hòa giống như một đô thị nén vào khu vực trung tâm nên rất khó để phát triển. Nếu cứ quy hoạch và xây dựng nhiều chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm, trong khi hạ tầng kỹ thuật lại đầu tư không tương xứng sẽ hạn chế không gian sống và quá tải cho nội ô. Vì thế, hình thành các KĐT mới ở vùng ven Biên Hòa thuộc các phường Phước Tân, Tam Phước, An Hòa và xã Long Hưng để người dân dịch chuyển ra sẽ giúp cho thành phố phát triển nhanh hơn.
“Các phường, xã vùng ven TP.Biên Hòa đất đai còn rất rộng, dân cư thưa, việc quy hoạch triển khai xây dựng các dự án KĐT sẽ nhanh hơn, vì số hộ gia đình, cá nhân phải bồi thường, giải tỏa trắng ít. Những đô thị mới hầu hết được tính toán đầu tư đầy đủ đường sá, bãi đậu xe và các tiện ích đi kèm sẽ đảm bảo đời sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần” - ông Hồ Văn Hà cho hay.
Từ nhiều năm trước, những thành phố đông dân ở các nước đã quy hoạch đất đai, xây dựng để mở rộng đô thị ra vùng ven trung tâm, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, phù hợp với quá trình phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên chia sẻ: “Tới đây, trong điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Biên Hòa sẽ đề xuất hình thành các KĐT mới ở 4 xã, phường thuộc khu vực H.Long Thành đã sáp nhập về thành phố để giảm bớt dân số dồn về khu vực trung tâm. Các KĐT xây dựng mới sẽ lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để hình thành đô thị xanh, thông minh đem đến cho người dân thành phố một nơi sống tốt hơn. Như vậy, người dân sẽ yên tâm dời đến những đô thị mới”.
Nên mở thêm nhiều khu dân cư xa trung tâm
Biên Hòa được hình thành từ hơn 300 năm trước, trải qua nhiều thế kỷ, vùng đất này trở thành một thành phố công nghiệp phát triển hàng đầu tại Việt Nam. Khu vực này là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nên thu hút người dân từ nhiều nơi đến sinh sống và làm việc. Hơn 4 thập niên trước, hạ tầng của đô thị Biên Hòa chỉ quy hoạch cho chưa đầy 100 ngàn dân sinh sống. Trải qua nhiều năm, dân số tăng gấp hơn 10 lần nhưng các công trình hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống thoát nước, công viên được đầu tư mới không nhiều, nhà ở trong các phường nội ô mọc lên san sát không theo một kiến trúc chung cho từng khu vực làm ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố.
Do đó, nhiều người dân gắn bó với TP.Biên Hòa mong muốn tỉnh sẽ mở thêm các trung tâm mới, ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chú ý nhiều đến phát triển không gian để vẫn giữ được nét truyền thống nhưng vẫn có thêm những đô thị mới hiện đại.
Ông Lê Thành Nam, P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) kể: “Gia đình tôi có đến 3 đời sống tại Biên Hòa, chứng kiến rất nhiều đổi thay của thành phố. Khoảng gần 10 năm trở lại đây, thành phố phát triển rất nhanh và người dân thường dồn về khu trung tâm để sống vì có đầy đủ các dịch vụ nên kẹt xe, ngập lụt là khó tránh khỏi. Muốn giảm được tình trạng trên theo tôi tỉnh nên hình thành nhiều khu trung tâm dân cư với đầy đủ các tiện ích đi kèm”.
Xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ngoại ô đã được một số thành phố lớn trên cả nước đang triển khai để giảm áp lực cho khu trung tâm như: TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Vì thế, hàng loạt các KĐT mới vùng ven đã được hình thành đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về mật độ, diện tích, đường giao thông, công viên, không gian… để người dân sinh sống.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương cho biết: “TP.Biên Hòa nên phát triển song song KĐT cũ và mới, hình thành các khu dân cư trung tâm ở vùng Hóa An, Tân Hạnh, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước, Long Hưng sẽ tránh quá tải về hạ tầng kỹ thuật và thiếu đất làm nhà ở trong khu vực nội ô. Tôi đã tìm hiểu các thành phố phát triển nhanh trên thế giới, họ đều phải xây dựng thêm các KĐT mới bên cạnh đô thị cũ để giãn dân và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.
Riêng 4, phường, xã Tam Phước, Phước Tân, Long Hưng, An Hòa có diện tích gần bằng 26 phường còn lại của TP.Biên Hòa. Việc mở rộng đô thị ra những khu vực trên sẽ giúp cho thành phố phát triển nhanh hơn, vì sẽ khai thác được những lợi thế từ cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu công nghiệp.
Khu đô thị Thương mại PNR Estella (KCN Sông Mây, Trảng Bom, Đồng Nai) có quy mô 32ha, tọa lạc ngay trên vành đai kinh tế phía Đông TP Biên Hòa. Dự án được kiến tạo theo mô hình khu đô thị đa chức năng đáp ứng mọi nhu cầu sống, làm việc, giải trí... nhằm đón đầu làn sóng giãn dân mãnh mẽ từ trung tâm Biên Hòa.
Nguồn: baodongnai.com.vn