Hạ tầng "thổi lửa" miền Đông Nam Bộ
Giao thông tại các đô thị lớn như TP HCM ngày càng bị quá tải. Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM - đô thị này đang trên đà phát triển rất nhanh, nhưng hạ tầng không đủ đáp ứng dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều khu vực. Mặt khác, hiệu quả liên kết vùng dẫn tới tốc độ phát triển kinh tế liên vùng cũng trở nên trì trệ. Đặc biệt, tại thủ phủ công nghiệp Đồng Nai, thực trạng tương tự cũng diễn ra.
Nhận diện nút thắt về hạ tầng giao thông có thể làm đầu tàu Đông Nam Bộ bị trật đường ray, gần đây Thủ tướng và các bộ ban ngành đã bật đèn xanh để khu vực này triển hai hàng loạt công trình trọng điểm. Đơn cử như tuyến Metro số 1 vượt sông Đồng Nai và kéo dài đến tận trung tâm TP Biên Hòa, cao tốc Long Thành – TP HCM - Dầu Giây dự kiến mở rộng lên 8 làn xe. TP HCM còn ráo riết với đề án thành lập thành phố sáng tạo phía Đông để tạo nên một lực đẩy mới cho kinh tế thành phố.
Loạt công trình hạ tầng giao thông kết nối vùng trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tìm nguồn đầu tư vào hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng cũng như chủ động đề xuất các chủ trương phát triển hạ tầng. Điển hình là mới đây, Đồng Nai đã phê duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư để làm dự án xây dựng tuyến đường kết nối vào cảng Phước An (từ nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng Phước An) có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai dự kiến giải ngân hết số tiền 18.000 tỷ đồng và đẩy nhanh công công tác giải phóng mặt bằng để kịp khởi công dự án sân bay Long Thành trong tháng 10.
Sân bay Long Thành đã được chốt tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công vào tháng 10.
Ở một hướng kết nối khác, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã duyệt phương án xây dựng tuyến Hương lộ 2 với điểm đầu giao quốc lộ 51 (Phường An Hòa, TP Biên Hòa) và điểm cuối là huyện Nhơn Trạch để kết nối vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường này dự kiến sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trục ven sông Đồng Nai, gắn kết mật thiết vào khu Đông Sài Gòn. Song song đó, đề án mở rộng quốc lộ 51, triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, xây cầu Cát Lái, tuyến Vành đai 3. Một không gian đô thị sầm uất, hạ tầng hoàn thiện với tâm điểm là sân bay Long Thành đang ngày một định hình rõ nét ở Đồng Nai.
Nhận diện cơ hội đầu tư tại phía Đông
Động thái quyết liệt đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ của các tỉnh thành Đông Nam Bộ đang mở ra một giai đoạn phát triển mới cho toàn vùng. Lợi thế của vùng đất này còn nằm ở quỹ đất trống còn rộng lớn, điều kiện tự nhiên phong phú, đồng thời sở hữu ưu thế vượt trội về các tiện ích kinh tế - xã hội (nhiều khu công nghiệp, cảng biển, sân bay). Bắt mạch xu thế đó, nhiều tập đoàn bất động sản lựa chọn các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu làm trọng điểm đầu tư bởi những công trình hạ tầng kết nối.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP HCM, thời điểm này đã khá chín muồi để các đô thị vệ tinh Biên Hòa phát triển vì các công trình hạ tầng trọng điểm được đồng ý triển khai. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án lớn nhỏ đang xây dựng hoặc đã đăng ký, trải dài từ Đồng Nai kéo dài tới Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhận định về tiềm năng phát triển của các đô thị vệ tinh, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở, CBRE Việt Nam chia sẻ, nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.
Theo: NDH