Hơn 904.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư trong 10 năm tới
Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại TP HCM giai đoạn 2020 - 2030 được Sở GTVT trình chính quyền thành phố, tổng kinh phí đầu tư dự kiến 904.293 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố chiếm 49%, còn lại từ nguồn vốn trung ương, xã hội hóa đầu tư, vốn ODA. Nhu cầu vốn chia làm 2 giai đoạn.
Với giai đoạn một, trong lĩnh vực đường bộ, đề án đưa ra kế hoạch phát triển 3 tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM Trung Lương và TP HCM - Mộc Bài. Ngoài tuyến TP HCM - Mộc Bài xây mới hoàn toàn (dài 55 km), 2 tuyến cao tốc còn lại được đề xuất mở rộng quy mô.
Hai đường vành đai 2 và vành đai 3 nối TP HCM với Long An tiếp tục được xây dựng khép kín các đoạn tuyến còn lại. Các tuyến quốc lộ (QL) chủ chốt như QL 13, QL 22, QL 50 - đường song hành QL50 cũng được đưa vào phạm vi nghiên cứu và có đề án đầu tư mở rộng. Các nút giao thông, trục đường đô thị, tuyến đường trên cao... cũng trong đề án với kiến nghị hoàn chỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 bằng các nguồn vốn khác nhau.
Quy hoạch vị trí cầu Thủ Thiêm 3, 4 và Cát Lái. Thiết kế: Bảo Linh
Theo quy hoạch dự kiến, TP HCM cũng sẽ xây mới 34 cầu và hầm vượt sông/kênh cho các tuyến (đường bộ, đường sắt) vượt qua các sông, kênh lớn như sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Chợ Đệm, rạch Ông Lớn, Xóm Củi, rạch Các. Phần lớn các cầu được hoạch định theo quy hoạch nằm trong các tuyến đường vành đai, đường trục và sẽ được đầu tư khi xây dựng các tuyến đường này. Do đó, đề án đặc biệt đề cập tới 3 cây cầu có tính chất độc lập, kết nối giao thông như cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái. Trong khi cầu Thủ Thiêm 3 và 4 làm nhiệm vụ nối các quận của TP HCM thì cầu Cát Lái lại có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nối TP HCM với Nhơn Trạch, Đồng Nai, khi hình thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ qua phà Cát Lái.
Với hệ thống đường sắt đô thị, tuyến số 1, số 2 và số 5 được dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2025. Đề án cũng nhắc tới các cảng cạn, đường thủy nội địa, trung tâm logisitics khác..
Trong giai đoạn 2025 - 2030, đề án tiếp tục đi vào hoàn thiện các tuyến đường trên cao và đường sắt đô thị, tiếp nối giai đoạn trước đó. Các tuyến đường sắt đô thị thực hiện như Metro số 2 giai đoạn 2, metro số 3, metro số 4b, metro số 5 giai đoạn 2.
Quy hoạch tổng thể các tuyến metro tại TP HCM. Thiết kế: Bảo Linh
Về việc huy động nguồn vốn, đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (Vành đai 3, 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài), Sở GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép TP HCM sử dụng ngân sách, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ngân sách trung ương có trách nhiệm hoàn trả cho TP HCM phần dự toán chi, không bao gồm phần lãi vay.
Nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất được ưu tiên để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. UBND TP HCM có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố. Đồng thời, thành phố cần tạo quỹ đất sạch để triển khai đấu thầu đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Tiến độ đầu tư chậm, gây áp lực đô thị
Tại hội thảo do tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức mới đây, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT cho rằng so với quy hoạch giao thông vận tải TP HCM được Thủ tướng phê duyệt thì tiến độ đầu tư các dự án hiện nay đều chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.
Theo bà Hạnh, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ và cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng, các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao. Hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn.
Về đường bộ, vành đai 2 mới chỉ được đầu tư 51/64 km; vành đai 3 và 4 đang được nghiên cứu đầu tư trong khi tiến độ theo quy hoạch hoàn thành trước 2020. Còn đối với các tuyến quốc lộ (các tuyến qua địa bàn thành phố khoảng 106,7 km), hiện đã đầu tư nhưng chưa đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch và đang đều quá tải.
Về đường sắt đô thị, đối với tuyến số 1 đang trong quá trình xây dựng (khoảng 72% khối lượng), dự kiến cuối năm 2021 đưa vào khai thác thương mại. Tuyến số 2 đang triển khai đấu thầu các gói thầu xây dựng, tiến độ dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2026. Các tuyến đường sắt đô thị còn lại và tuyến xe điện mặt đất đã lập xong dự án đầu tư để quản lý quỹ đất theo quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Tuyến số 5 (giai đoạn 1) và tuyến số 3a hiện nay đã xác định được nguồn vốn đầu tư, cả hai dự án đang trong giai đoan trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Theo thứ tự ưu tiên đầu tư, các tuyến số 1, 2 và số 5 (giai đoạn 1) phải được đưa vào khai thác vào năm 2020. Tuy nhiên với tình hình thực tế triển khai thì cả ba tuyến đều không hoàn thành như kế hoạch với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về hàng không, năm 2019, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón 41,3 triệu hành khách. Hiện cảng này đang trở nên quá tải so với công suất khai thác (vượt 1,6 lần so với công suất).
Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan liên quan đến tư duy phát triển kết cấu hạ tầng và phân bổ nguồn lực chưa đột phá, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; chưa có cơ chế để tối đa hóa lợi ích mang lại khi đầu tư
Do đó, bà Hạnh đề xuất cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, TP HCM cần nghiên cứu thí điểm cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị.
nguồn: Người Đồng Hành
https://ndh.vn/bat-dong-san/ha-tang-giao-thong-tp-hcm-10-nam-toi-ra-sao-1276763.html