Khởi công xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Khơi thông động lực phát triển

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức khởi công vào cuối tháng 9 tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng (thứ hai từ trái qua) xem xét bản đồ thu hồi đất trên địa bàn xã Lộ 25, H.Thống Nhất trong chuyến đi khảo sát thực địa công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Ảnh: P.Tùng

Đây là dự án được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải áp lực cho tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1, đồng thời khơi thông động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Hoàn thành xây dựng trong 24 tháng

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây cũng là dự án có vai trò đặc biệt trong việc kết nối giao thông cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với vị trí đặc biệt quan trọng đó, vào tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Việc chuyển đổi phương thức đầu tư nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án thành phần này.

Theo ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT), chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sau khi Quốc hội thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với dự án, đơn vị đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án. “Ngày 27-8, sẽ thực hiện phát hành hồ sơ mời thầu của dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây” - ông Nguyễn Công Hợp cho hay.

Theo tiến độ dự kiến, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khởi công vào cuối tháng 9-2020. Dự án này có tổng chiều dài 99km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km được chia làm 2 gói thầu.

Ông Nguyễn Công Hợp cho biết, so với 2 dự án thành phần khác cũng được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thì dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có cấp độ ưu tiên cao hơn. “2 dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án trọng điểm cấp 1 thì dự án Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm cấp đặc biệt” - ông Nguyễn Công Hợp nhấn mạnh.

Với cấp độ ưu tiên đó, chủ đầu tư sẽ yêu cầu các nhà thầu thực hiện thi công ngay sau khi khởi công. Trong các điều kiện đưa ra với các nhà thầu, Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng yêu cầu các nhà thầu phải huy động tối đa nhân, vật lực để thi công dự án.

Theo chủ đầu tư, thời gian hoàn thành thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là 24 tháng. “Thời gian thi công rất gấp nên yêu cầu đối với nhà thầu là rất cao. Tuy nhiên, thuận lợi của dự án là khởi công vào thời điểm cuối mùa mưa nên tiến độ thi công có thể đẩy nhanh” - ông Nguyễn Công Hợp chia sẻ.

* “Chạy đua” giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện thi công ngay và thi công liên tục sau khi khởi công, do đó chủ đầu tư đề nghị địa phương thực hiện bàn giao một lần toàn bộ mặt bằng sạch. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ, các cơ quan chức năng và các địa phương cũng đang “chạy đua” để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án.

Để thực hiện dự án, Đồng Nai sẽ phải thu hồi khoảng 412ha đất trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh.

Cưa cắt vườn cây nằm trong phạm vi dự án để tạo lập mặt bằng sạch tại xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc.

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn 3 địa phương gồm huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Các cơ quan chức năng hiện đang thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Trên địa bàn H.Xuân Lộc, địa phương có diện tích đất thu hồi lớn nhất hiện nay cũng đã cơ bản hoàn thành.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, hiện nay, địa phương đã phê duyệt phương án đền bù đối với 723 trường hợp (521 trường hợp thuộc đợt 1 và 202 trường hợp thuộc đợt 2). Đồng thời đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 531/723 trường hợp và đang tiếp tục chi trả cho 192 trường hợp còn lại. Riêng đối với 114 trường hợp thuộc đợt 2 chưa được phê duyệt phương án bồi thường, các cơ quan chức năng của H.Xuân Lộc cũng đang hoàn thiện hồ sơ, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và thẩm định, phê duyệt. Khi chủ đầu tư chuyển kinh phí bồi thường, địa phương sẽ thực hiện cho trả sớm nhất cho người dân.

Để phục vụ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, Đồng Nai hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư trên địa bàn 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, với yêu cầu về tiến độ từ chủ đầu tư, các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Tăng cường vận động người dân thực hiện bàn giao mặt bằng cho dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT giải quyết nhanh các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. “Các địa phương và các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước thời điểm cuối tháng 9-2020 cho chủ đầu tư” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

 

 Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam cửa ngõ phía Đông. Đây cũng là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (cùng với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1 khoảng 2,6km) tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại H.Thống Nhất.