Lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng giảm mạnh, nhà đầu tư âm thầm rút tiền mua bất động sản

Lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng có xu hướng giảm sâu bắt đầu từ 17/3. Trong xu thế này, nhiều nhà đầu tư đã âm thầm rút tiền để đầu tư vào bất động sản.

Dịch Covid-19 đang giáng một đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam. Trong đó, ngành du lịch, hàng không… và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước tình hình này, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ, miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, sáng 17/3, các ngân hàng đã đồng loạt đưa lãi gửi tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về 3,95 - 4,75%. Cụ thể, nhiều nhà băng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất 4,75% cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng và 0,5% cho khoản tiết kiệm dưới 1 tháng.

Điển hình như VietinBank điều chỉnh lãi suất dưới 6 tháng cao nhất từ 4,8% xuống 4,75%. Các ngân hàng tư nhân cũng tương tự. VIB hạ tới 0,5 điểm % so với biểu lãi suất cũ, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng về 4,5%. So với cách đây chưa tới nửa năm, khách gửi tiền tại VIB kỳ hạn 2 - 5 tháng được nhận lãi 5,5% thì nay chỉ nhận về 4,5%.

Khi thị trường đối mặt với sóng gió, cơ hội sẽ thuộc về những nhà đầu tư có tầm nhìn

Một trong các nhà băng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường là VietCapitalBank cũng đã hạ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,9% xuống 4,7%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở đi giảm từ 0,1 - 0,2%. Lãi suất cao nhất của ngân hàng nay là 8% thay vì 8,2% như trước. Như vậy nếu so với cách đây 4 tháng, khách gửi tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng có thể được hưởng lãi lên tới 5,5%, nay chỉ được trả 3,95 - 4,75%.

Trong xu thế này, việc giữ tiền trong các nhà băng gần như là để đồng tiền đứng yên, và nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu có động thái rút dần để chuyển kênh sinh lời. Theo ghi nhận, không ít người đã âm thầm rút tiền ra để đầu tư vào bất động sản, kênh đầu tư đang có xu hướng hạ nhiệt sau thời gian bùng nổ về giá bán.

Theo chia sẻ của anh Trần Tuấn K., một nhà đầu tư khá lâu năm ở TP.HCM thì trong ngày 17/3, anh K. đã rút phân nửa khoản tiền tiết kiệm để mua 2 căn hộ đang giảm giá ở TP.HCM. Theo anh K., việc đầu tư bất động sản vào thời điểm này là một lựa chọn khôn ngoan. Hiện nay lãi suất ở ngân hàng đang giảm mạnh nên nếu cứ để dòng tiền “nằm chết” một chỗ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.

Mặt khác, trong xu thế dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường nhà đất đang có xu hướng hạ nhiệt so với thời điểm trước Tết, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát động hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá… để đẩy mạnh giao dịch. Anh K. đánh giá đây là “cơ hội vàng” cho những nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng. Đây cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu ở tìm được sản phẩm tốt với mức giá thực nhất.

“Nếu nhà đầu tư nào chịu khó khảo sát thị trường, tìm kiếm các nguồn hàng tốt, pháp lý vững và biết cách gom hàng thì sau khi dịch qua đi sẽ có nhiều cơ hội bán ra kiếm lời. Thực tế thị trường chỉ khó khăn trong đại dịch, còn bất động sản là nhu cầu thực tế không thể mất đi. Ai cũng có nhu cầu mua, sắm nhà, khi dịch qua đi và dòng tiền ổn định trở lại thì nguồn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh. Khi đó, ai nắm giữ nguồn hàng tốt thì người đó thắng thế”, anh K. cho hay.

Ghi nhận trong vòng 1 năm qua, bất động sản đối diện với nhiều thách thức khi hàng trăm dự án “đứng bánh”, nhiều dự án “ma” bị phanh phui, khắp nơi ảm đạm vì màu băng rôn đỏ ở các chung cư đã phần nào làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với việc đầu tư vào các ngành nghề khác thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu trên thị trường. Trong thời điểm bùng nổ nguồn cung từ 2015 - 2018, nhiều nhà đầu tư khéo léo thì đã có thể giàu lên nhanh chóng.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường và nền kinh tế nào cũng vậy, đều có chu kỳ: đi lên, đi ngang và đi xuống và lặp lại, tùy thuộc vào thực tế của thị trường. Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản đã phát triển khá tốt, còn hiện nay thì đang đi ngang, cộng với dịch bệnh bùng phát trở lại cũng làm giảm đi làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ghi nhận ở nhiều dự án hạng sang, lượng giao dịch giảm mạnh do thiếu hụt dòng tiền từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc… Dù vậy, nguồn vốn chảy vào bất động sản ít hay nhiều tùy vào từng thời điểm và rất có thể sẽ trở lại ào ạt khi thị trường ổn định hơn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng nhận định rằng các khó khăn này chỉ mang tính nhất thời. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tái cấu trúc, nhìn nhận lại cả quá trình kinh doanh và tìm ra phương án tốt hơn để đưa doanh nghiệp đi lên. Song song đó, thị trường hiện nay là cơ hội để các chủ đầu tư có đủ tiềm lực tài chính vững mạnh và tạo ra những sản phẩm chất lượng, khẳng định niềm tin đối với khách hàng. Trong khó khăn, nếu doanh nghiệp nào tiếp tục hoạt động “bát nháo”, coi thường khách hàng thì sẽ phải trả giá bằng cách rời khỏi cuộc chơi.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho rằng đây là thời điểm cả thị trường cần nhìn nhận nghiêm túc về cơ hội đầu tư sinh lời trong bất động sản. Những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn chắc chắn vẫn tìm ra cách để tiếp cận mức lợi nhuận mong muốn. Đây cũng là lúc nhà đầu tư chọn cách phân bổ dòng tiền của họ theo xu hướng chắc chắn, chậm rãi và an toàn hơn. Nhà đất vẫn luôn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền mạnh nhất nên khi đại dịch qua đi sẽ là những cơ hội mới mở ra.

Theo reatimes.vn