Nếu so về hạ tầng, số khu công nghiệp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài... của Đồng Nai không bằng các địa bàn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng giá bất động sản tại Đồng Nai lại cao hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
"Cơn sốt" bất động sản ở Đồng Nai
Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đồng Nai diễn ra sôi động, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng.
Theo Báo Đồng Nai, hầu hết các doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực bất động sản đều đã có mặt tại tỉnh này và tham gia vào nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị như Novaland, Amata, Daewoo E&C, Nam Long, Đất Xanh, Kim Oanh, Sun Group, FLC, Thăng Long, DIC, VinaCapital, Vingroup, Taekwang...
Không chỉ các chủ đầu tư dự án, các nhà đầu tư thứ cấp cũng quan tâm đến thị trường Đồng Nai khiến cho các thương vụ mua bán, sang nhượng đất đai, đấu giá diễn ra sôi động.
“Cơn sốt” đất ở Đồng Nai kéo dài liên tục hơn ba năm nay và chưa có dấu hiệu lắng xuống khiến giới đầu tư bất động sản lo ngại giá đất bị đẩy lên cao so với giá trị thực.
Trên thị trường hiện nay, giá bất động sản tại nhiều địa phương thường "ăn theo" các dự án cơ sở hạ tầng. Song, theo nhận định của giới chuyên môn, nếu so về hạ tầng, số khu công nghiệp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài... của Đồng Nai không bằng các địa bàn khác lân cận TP HCM như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng giá bất động sản tại Đồng Nai lại cao hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Vì đâu giá bất động sản tại Đồng Nai lại tăng cao như vậy?
Sân bay Long Thành - "cú hích" mạnh mẽ cho thị trường bất động sản
Tháng 1-2021, dự án trọng điểm Quốc gia Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã chính thức đi vào khởi công với tổng diện tích bàn giao lên đến 1.810 ha ở giai đoạn 1. Theo các chuyên gia, tiến độ thi công của sân bay Long Thành chắc chắn sẽ đẩy mạnh, nguyên nhân của việc này là do tình trạng quá tải của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Khi hoàn thành, Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không Quốc tế tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển dài hạn của ngành vận tải hàng không Việt Nam.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành
Sự hình thành sân bay Quốc tế Long Thành chính là sự thúc đẩy mạnh mẽ với ngành du lịch Đồng Nai. Du khách trong nước cũng như quốc tế có thể bay thẳng tới Đồng Nai thay vì di chuyển đường bộ từ những tỉnh thành lân cận, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại đây cũng vì thế mà phát triển hơn bao giờ hết.
Hiện giai đoạn 1 dự án sân bay đang được triển khai nhộn nhịp, những tuyến đường tỉnh kết nối trực tiếp sân bay cũng đang trong giai đoạn lên kế hoạch xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng, hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng được Chính phủ đầu tư một cách đúng mực: cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết, tỉnh lộ 319, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Nhờ vậy, bất động sản khu vực càng có nguồn động lực lớn để bứt phá, các vùng lân cận trong bán kính 30km đổ lại trở thành nơi tập trung các dự án bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng lớn, các khu công nghiệp, kho vận để phục vụ cho nhu cầu của sân bay.
Trải qua những tháng đầu năm 2021, bất động sản Long Thành đã diễn ra nhộn nhịp các hoạt động giao dịch. Nóng nhất là những dự án nằm trong vùng được định hướng sẽ trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ - tài chính – logistics phục vụ thành phố sân bay.
Đồng Nai có nhiều thông tin tốt cho định hướng đầu tư
Đồng Nai có các thế mạnh để có thể vươn xa, giúp cho vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030, với ba hướng chính: bất động sản công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Đồng Nai lại chính là trọng điểm trong tất cả các dự án trọng điểm của Việt Nam 10 năm tới. Tất cả các lợi thế này "đổ" về hướng Đồng Nai, làm cho nhà đầu tư có mức kỳ vọng tốt về thị trường.
Với những điều kiện phát triển vốn có, Đồng Nai và sân bay Long Thành trở thành nơi được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp "ngắm nghía" để tập trung đầu tư và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Có thể nói, khi sân bay Long Thành chính thức đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ thực sự có cho mình một diện mạo mới với những tiềm năng phát triển vượt bậc.
Đồng Nai là một trong ba địa phương ngoài TP HCM và Hà Nội có mức đầu tư công cao nhất.
Long Thành – Đồng Nai, đây là địa phương có vị trí thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có mạng lưới kết nối toàn diện và hiện tiếp tục được đầu tư một loạt công trình giao thông trọng điểm như: cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vành đai 4… những điều kiện thuận lợi này đã giúp bất động sản khu vực bứt phá, trở thành địa phương chủ lực dẫn dắt thị trường bất động sản.
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh là điểm tựa giúp thị trường bất động sản Đồng Nai tăng trưởng.
Các nhà đầu tư công nghiệp đã nhìn nhận ra rằng dự án trọng điểm cấp quốc gia - sân bay Long Thành có mục tiêu chính là giúp hoàn thiện toàn bộ hệ thống logistic hướng đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Xung quanh quỹ đất này sẽ rất thích hợp phát triển các khu công nghiệp.
Khi các chủ đầu tư lớn về mảng bất động sản công nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường, các chủ đầu tư xây dựng cũng kéo về đấu giá đất xung quanh các khu công nghiệp để phát triển hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị. Điều này tiếp tục dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trung cấp cũng sẽ hướng về thị trường Đồng Nai nhiều hơn.
Sức ép tại các thành phố lớn
TP HCM cũng giống như bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, đều có ngưỡng phát triển được giới hạn về tài nguyên nước, không khí, hạ tầng, đất đai. Trong khi đó, tình hình dân cư phân bổ không đều, chủ yếu tập trung vào lõi trung tâm ngày càng gia tăng, gây sức ép lớn đến hạ tầng kỹ thuật, môi trường...
Theo đó, việc giãn dân cư đô thị ra các khu vực lân cận cần triển khai trong bối cảnh quỹ đất ở lõi trung tâm dần cạn kiệt, hạ tầng quá tải. Hiện thành phố bắt đầu thực hiện các quy định khắt khe hơn với các dự án trong khu vực lõi trung tâm và có phương án mở rộng phát triển ra phía Đông Bắc (khu vực Củ Chi, Tây Ninh) và Tây Bắc (quận 2, quận 9, Thủ Đức và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thành phố cũng đang đẩy mạnh việc liên kết cùng các tỉnh lân cận, hợp tác nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, các dự án công trình trọng điểm, hệ thống dịch vụ tiện ích đa chức năng, bệnh viện, trường học, công viên, bến xe, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí... sẽ phát triển nhanh chóng để tạo động thu hút cư dân, hoàn thành mục tiêu giãn dân đề ra.
Trong số các khu vực xung quanh TP HCM thì Đồng Nai được đánh là thị trường còn nhiều dư địa để phát triển với hạ tầng kết nối tốt, quỹ đất sạch còn nhiều, đủ sức phát triển dự án quy mô hàng trăm hecta.
Là địa phương liền kề TP HCM, Đồng Nai được xem là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam Bộ, có lợi thế về liên kết vùng. Trong đó, hạ tầng giao kết nối tốt được bao quanh bởi các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hương lộ 2, đường Liên vùng 4...
Trong đó, dự án xây dựng Hương lộ 2 nối dài đoạn 1 (từ điểm đầu giao quốc lộ 51 đến đường bê tông nhựa hiện hữu An Hòa - Long Hưng) và dự án Hương lộ 2 nối dài đoạn 2 (từ cầu Vàm Cái Sứt đến điểm giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) đã được UBND tỉnh chỉ đạo đẩy tiến độ rút ngắn thời gian triển khai.
Đồng Nai có hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông, đường hàng không trong tương lai. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản tại đây phát triển mạnh.
Đầu năm 2021, thành phố Thủ Đức cùng 2 tỉnh là Bà Rịa - Vũng tàu và Bình Dương tạo nên tam giác kinh tế mũi nhọn bao quanh khu vực sân bay Long Thành. Nắm giữ vai trò đặc biệt trong tam giác kinh tế phía Nam, điều này khiến Đồng Nai nhanh chóng trở thành điểm sáng đầu tư với tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội.
Việc hình thành thành phố Thủ Đức cùng nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Nhà Nước đã góp phần rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai tới các tỉnh lân cận, đồng thời tạo ra làn sóng dịch chuyển dân cư mạnh mẽ tới những khu vực vùng ven.
Đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đồng Nai, là mục đích để các doanh nhân và tiểu thương mở rộng thị trường kinh doanh ra đô thị ngoại ô TP. HCM./.
Theo moitruongvadothi.vn