Năm 2030, Đồng Nai trở thành “hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành “hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2030-2035.


Một khu đô thị tại Đồng Nai đang được xây dựng

Ngày 16/6, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo bản báo cáo quy hoạch giữa kỳ, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành “hạt nhân” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn từ 2030-2035.

Với tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao là đầu mối giao thương quốc tế và là một trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á. Tỉnh cũng xác định là nơi tập trung các trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.

Để đạt được mục tiêu trở thành “hạt nhân” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai định hình 4 trụ cột phát triển gồm: Trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay (cửa ngõ giao thương của châu Á); trung tâm đô thị - dịch vụ đẳng cấp khu vực; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững.

Góp ý cho bản quy hoạch tỉnh Đồng Nai, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp của Đồng Nai cho thấy dù có phát triển mạnh về công nghiệp nhưng cấu trúc công nghiệp của tỉnh còn thấp.

Do đó, ông Thiên đề xuất, quy hoạch phát triển công nghiệp thời gian tới, Đồng Nai nên ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Lợi thế của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay Long Thành nên cần đẩy mạnh phát triển, dịch vụ logistics.

Đánh giá về báo cáo quy hoạch giữa kỳ, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đánh giá, bản quy hoạch đã cơ bản định hình được khung phát triển của Đồng Nai.

Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ tác động của những nhân tố mới xuất hiện trong quy hoạch. Ví dụ như vấn đề kết nối giao thông, phương thức vận chuyển khi sân bay Biên Hòa khai thác cả lưỡng dụng nên vấn đề này cần tính toán vào quy hoạch.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, quy hoạch Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một bước ngoặt mang tính lịch sử, vì quy hoạch không chỉ giúp Đồng Nai cất cánh trong 10 năm tới mà còn xa hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi cho đơn vị tư vấn để hoàn thiện bản quy hoạch có chất lượng tốt nhất. “Hiện nay tiến độ quy hoạch của tỉnh đã chậm nhưng phải lấy chất lượng làm trọng. Không vì thời gian mà làm cẩu thả, tắc trách” Bí thư tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Theo kế hoạch dự kiến hồ sơ về đồ án quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trong tháng 7/2023.

Theo baodautu.vn