Nhà đất thành phố phía Đông biến động giá như thế nào trong vài năm qua?

Các quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ được gộp lại để tạo lập nên thành phố phía Đông ở TPHCM. Trong nhiều năm qua, giá bất động sản ở 3 quận này đã có nhiều thay đổi nhanh chóng. Theo thống kê của đơn vị khảo sát về bất động sản, từ quý 1/2017 đến quý 1/2019 giá bán căn hộ ở quận 2, 9 và Thủ Đức tăng mạnh nhất thị trường. Đặc biệt ở dòng sản phẩm chung cư cao cấp.

Ở quý 1/2017, giá bán căn hộ trung bình tại 3 quận này vào khoảng 29 triệu đồng/m2. Sau đó, mức giá đã tăng lên 38 triệu đồng/m2 ở quý 4/2018 và tiệm cận 41 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2019. Theo đó, giá bán căn hộ bình quân tăng gần 45% trong ba năm.

Khu vực quận 2 được ghi nhận có mức giá căn hộ tăng cao nhất. Qua đó, tốc độ tăng giá trung bình khoảng 15% ở quận 2 mỗi năm và cao hơn mức tăng 7 – 9% của toàn TPHCM.

Đối với phân khúc trung và cao cấp tại Thủ Thiêm tăng từ 40 triệu đồng/m2 năm 2017 lên 58 triệu đồng/m2 ở quý 2/2018. Sau đó, giá các phân khúc này tiếp tục nhảy lên 80 – 120 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2019. 

Giá bất động sản ở các quận 2, 9 và Thủ Đức đã tăng trong nhiều năm qua

Tại một số dự án ở đảo Kim Cương có mức giá lên đến 190 triệu đồng/m2. Từ năm 2017 – 2018, một số dự án cao cấp được mở bán với giá ban đầu rơi vào khoảng 58 – 60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay mức giá sang nhượng đã là 127 triệu đồng/m2.

Tương tự, một dự án khác ở khu vực Thạnh Mỹ Lợi, giá thứ cấp hồi đầu năm 2017 chỉ 40 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2019 giá tăng lên 57 triệu đồng/m2.

Đối với quận 9 và Thủ Đức cũng ghi nhận mức giá tăng từ 30-50% trong 3 năm qua dù nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp, bình dân.

Theo đó, giá sàn chung cư ở vào năm 2017 có mức giao động là 23 – 30 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó, giá đã tăng lên 27 – 35 triệu đồng/m2 vào năm 2018. 6 tháng đầu năm 2020, tại một số dự án cũng ghi nhận mức giá đã tiệm cận 40 – 45 triệu đồng/m2.

Theo đơn vị khảo sát, nhu cầu giao dịch bất động sản tại khu Đông cao hơn những nơi khác tại TPHCM do hạ tầng khu vực này được tập trung đầu tư phát triển trong những năm gần đây.

Cụ thể, từ năm 2010 – 2020, TPHCM đã triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư 350 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, 70% dự án được kết nối với khu Đông như: Xa lộ Hà Nội mở rộng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giấy, Metro Bến Thành – Suối Tiên, cầu qua đảo Kim Cương…

Mới đây, thông tin về việc thành lập thành phố phía Đông trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức được đánh giá khiến thị trường nhà đất khu vực này càng hấp dẫn hơn nữa trong tương lai.

Theo đánh giá của đơn vị khảo sát, dù dịch bệnh khiến giao dịch trên thị trường chậm lại nhưng giá bất động sản ở khu vực này vẫn tăng. Không chỉ các dự án hiện hữu, nhiều dự án đang triển khai cũng bắt đầu đưa ra mặt bằng giá bán mới cao hơn so với giai đoạn trước đó.

Tại khu vực quận 2, ghi nhận một dự án nhà liền thổ đã có giá chào bán đợt đầu lên đến 160 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư dự kiến tiếp tục tăng 5 – 10% trong đợt mở bán sắp tới.

Còn ở khu vực quận 9, một dự án biệt thự và nhà vườn đang được chủ đầu tư chào bán từ 45 triệu/m2. Tuy nhiên, sau khi có thông tin Thủ tướng ủng hộ việc thành lập thành phố phía Đông, đã ghi nhận lượng khách cao gấp nhiều lần trước đó.

Trước thông tin thành lập thành phố phía Đông đã khiến cho giá nhà ở tại một số tuyến đường như: Đồng Văn Cống, xa lộ Hà Nội có xu hướng tăng lên 37 – 40 triệu đồng/m2 hoặc 300 – 400 triệu đồng/m2.

Bên cạnh yếu tố về hạ tầng, báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, việc khan hiếm nguồn cung cũng là yếu tố đẩy giá nhà khu Đông tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Thực tế trong hai năm trở lại đây, phần lớn các chủ đầu tư mở rộng quỹ đất ở khu Đông, cũng như các tỉnh thành lân cận TPHCM.

nguồn: dân trí