Dòng vốn bị tắc nghẽn, tác động của suy thoái kinh tế và các chồng chéo trong thủ tục đầu tư đã khiến hoạt động đầu tư mua bán đất nền tỉnh trầm lắng rõ nét trong gần một năm qua.
Nhà đầu tư đang có động thái gì với bất động sản tỉnh?
Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bất động sản luôn đón những cơn “sốt đất”. Chẳng hạn đầu năm 2022, thị trường chứng kiến các đợt sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, như khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa…
Năm nay, nhiều người cũng kỳ vọng phân khúc đất nền sẽ ổn giao dịch hơn so với nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc 2 tháng đầu năm, thị trường còn khá trầm lắng và các nhà đầu tư vẫn đi tìm “điểm sáng” cho phân khúc này.
Thực tế những năm trước đây, sau Tết Nguyên đán là lúc thị trường đất nền sôi động nhất. Đối với năm nay, chỉ số tìm kiếm đất nền trước và sau Tết gần như bằng nhau, không có sự biến động. Thậm chí, nhu cầu tìm kiếm đất nền trên toàn quốc sau Tết Quý Mão 2023 chỉ bằng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc siết chặt tín dụng làm cho dòng vốn đầu tư chảy ít vào thị trường đất nền dự án, cùng các công văn, chỉ đạo của Nhà nước trong việc siết phân lô, bán nền cũng làm thị trường “giảm nhiệt” đáng kể và bước vào giai đoạn “trầm” trong năm 2022 và lan sang đầu năm 2023.
Tháng 3/2022, trong lúc thị trường tăng nóng, hàng loạt địa phương như Hà Nội, Bình Phước, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đã ra công văn yêu cầu tạm dừng giải quyết các thủ tục phân lô, tách thửa, kiểm soát chặt chẽ giao dịch ảo, thổi giá đất.
Đến tháng 7/2022, sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm soát chặt doanh nghiệp bất động sản, hàng loạt chủ đầu tư bị điều tra về những sai phạm đất đai tại nhiều địa phương. Những điều trên đã làm cho nhu cầu tìm kiếm đất nền tại nhiều địa phương đi vào trầm lắng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư đất nền tại các tỉnh không hoàn toàn bị “đứng” giao dịch. Một số thị trường tại miền Nam như Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai), Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu)… vẫn xuất hiện giao dịch mua bán và duy trì mức giá ổn định.
Thị trường đất nền Đồng Nai duy trì sức hút ổn định với giới đầu tư
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch diễn ra không sôi nổi. Nhiều nhà đầu tư vẫn khá e dè và ở trạng thái nghe ngóng thêm diễn biến thị trường. Khi thị trường chưa có dấu hiệu tích cực, sau Tết Nguyên đán các nhà đầu tư dù có dòng tài chính cũng rất cân nhắc việc xuống tiền.
Theo kết quả khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, sau Tết âm lịch, nhu cầu tìm kiếm nhà đất đạt gần bằng 72% so với năm 2022. Việc sụt giảm này đến từ chính bối cảnh thị trường đang trong trạng thái “chờ” các thông tin tín dụng, lãi suất, pháp lý.
Có thể thấy, hiện nay, nhiều nhà đầu tư muốn xuống tiền nhưng lo ngại thời điểm này chưa phải là “đáy”. Trên các phương tiện truyền thông, các trang tin rao bán hay bản tin của môi giới bất động sản, phân khúc đất nền tỉnh liên tục xuất hiện “hàng ngộp”. Điều này càng khiến các nhà đầu tư chờ thêm với kỳ vọng mua được bất động sản giá tốt hơn.
Theo các môi giới bất động sản, số lượng người đi xem đất có chiều hướng tăng như để quyết định nhanh xuống tiền thì chưa. Bởi các nhà đầu tư so sánh mức giá “ngộp” với mức giá chung của thị trường. Thế nhưng, so với thời điểm giữa năm 2022, thị trường đất nền hiện tại đang dần ấm và sở hữu nhiều dấu hiệu tốt. Sự khởi sắc này đến từ một bộ phận nhà đầu tư vững tài chính, sẵn sàng “xuống tiền” nhanh với những bất động sản đã ngắm từ trước đó.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc nguồn hàng giảm giá nhan nhãn tạo hiệu ứng trái chiều và khiến giới đầu tư đặt câu hỏi lớn liệu thị trường đã chạm đáy. Xét về giá bất động sản thị trường Việt Nam không có xu hướng giảm giá mạnh. Phạm vi đáy của thị trường sẽ được xét theo từng chu kỳ. Tuy nhiên, có thể thấy thời điểm hiện nay đang là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi.
Nguồn: Tổng hợp