Nhiều năm qua, các địa phương vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh là nơi đã tạo ra đột phá, đưa Đồng Nai trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cửa ngõ phía Đông được đánh giá sẽ là cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên hành lang quốc lộ 1.
Đồ họa thể hiện các khu công nghiệp hiện hữu và khu công nghiệp dự kiến thành lập tại các địa phương: Trảng Bom, Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh bao gồm các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Các địa phương trên nằm trong tiểu vùng phía Đông trong quy hoạch vùng. Theo quy hoạch Chính phủ phê duyệt thì khu vực này sẽ phát triển các khu công nghiệp đa ngành, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao...
* Xác định đúng tiềm năng
Mỗi địa phương trong khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh có hướng đi riêng, nhưng tựu trung đều đưa ra các giải pháp nhằm tạo bước đột phá riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng. Trong đó, H.Xuân Lộc và TP.Long Khánh là hai đơn vị cấp huyện đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng NTM. H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh đã trở thành tấm gương điển hình cho nhiều tỉnh trong cả nước học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM và NTM nâng cao.
Bước đột phá trong phát triển kinh tế của khu vực trên là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho các loại cây trồng, phát triển dịch vụ. Khi năng suất, chất lượng cây trồng tăng, thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng cao. Nhiều hộ gia đình trồng cây ăn trái, cây công nghiệp đã thu được 200-400 triệu đồng/ha/năm. Và thực tế, một khi người dân có thu nhập cao, việc đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, tạo thêm đà cho phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ trở nên thuận lợi hơn.
TP.Long Khánh đang xây dựng thành đô thị xanh. Ảnh: Phan Anh
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Huyện đã kịp thời triển khai các giải pháp cụ thể để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế làm tiền đề xây dựng NTM sớm về đích so với cả nước. Sau khi được công nhận là huyện NTM, Xuân Lộc tiếp tục nâng thêm bước nữa là xây dựng NTM nâng cao”. Cũng theo bà Tiên, địa phương hỗ trợ phát triển nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh, tạo chuỗi kết nối tiêu thụ, chế biến nông sản sâu để thêm các giá trị gia tăng cao cho lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch để xứng tầm là tiểu vùng phía Đông trong quy hoạch vùng.
Sau khi được công nhận hoàn thành xây dựng NTM, TX.Long Khánh (trước đây) đã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là TP.Long Khánh. Tạo ra đột phá để sớm hoàn thành phong trào xây dựng NTM là bước đệm vững chắc để Long Khánh lên thành phố. Trong quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, đô thị Long Khánh sẽ trở thành đô thị loại II và là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông của vùng. Tương lai sẽ là trung tâm công nghiệp phía Đông, trung tâm thương mại - dịch vụ, kho vận hàng hóa cấp vùng.
Ông Bùi Quốc Thể, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho hay: “Hiện nay, TP.Long Khánh đã trở thành đô thị hạt nhân, cực phát triển kinh tế lớn phía Đông của tỉnh. Đồng thời, thành phố sẽ tận dụng các lợi thế về giao thông, từng bước chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và phát triển thành phố theo hướng xanh - văn minh - hiện đại”.
Hai huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất cũng nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối khu vực và vùng để phát triển kinh tế.
* Kiến tạo nền tảng để đột phá về kinh tế
Các địa phương ở khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh đang tập trung cho các dự án lớn trên nhiều lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… nhằm tạo bước phát triển nhanh cho giai đoạn tới. Về công nghiệp, các địa phương mở rộng thêm diện tích cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đơn cử, H.Cẩm Mỹ dự kiến sẽ xây dựng 2 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp ở xã Thừa Đức rộng 300ha, khu công nghiệp đô thị dịch vụ rộng 3.500ha ở 2 xã Xuân Quế, Sông Nhạn và cũng sẽ xây dựng thêm Cụm công nghiệp Long Giao. Dự kiến, cuối năm 2020 có thể đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Long Giao và khu công nghiệp ở xã Thừa Đức.
Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn chia sẻ: “H.Cẩm Mỹ đang phối hợp với tỉnh và các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục và triển khai nhanh các dự án lớn trên địa bàn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Các khu, cụm công nghiệp sớm đi vào sản xuất sẽ tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ, đô thị phát triển theo. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh thực hiện nhanh các dự án thủy lợi phục vụ cho các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh để xuất khẩu và chế biến sâu”.
TP.Long Khánh là nơi sản xuất nấm lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. Trong ảnh: Sản xuất nấm tại xã Bảo Quang. Ảnh: K.Minh
H.Xuân Lộc cũng chú trọng trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kết nối với giao thông vùng và khu vực để tạo thuận lợi trong hình thành các vùng sản xuất lớn, an toàn theo hướng hàng hóa để chế biến sâu, xuất khẩu.
Trong khi đó, TP.Long Khánh có vị trí rất chiến lược, là cửa ngõ giao thông của vùng, liên kết với khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên nên đang gấp rút triển khai các dự án giao thông để kết nối với vùng. TP.Long Khánh dự tính mở rộng Khu công nghiệp Suối Tre, đầu tư mới Khu công nghiệp Hàng Gòn rộng 300ha. Các khu công nghiệp mở ra, nhanh chóng lấp đầy sẽ giúp cho những khu vực lân cận phát triển thương mại dịch vụ, đô thị, khu dân cư.
H.Thống Nhất thuộc cửa ngõ giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đô thị Dầu Giây (H.Thống Nhất), trong giai đoạn tới sẽ có bước phát triển nhanh. Đặc biệt tới đây, khi các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư xây dựng, sẽ giúp cho huyện phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương nói: “Trên địa bàn huyện có nhiều dự án quan trọng của Trung ương, tỉnh và huyện đang triển khai. Huyện phối hợp với các chủ dự án thực hiện nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm giao đất sạch thực hiện dự án. Các dự án nếu sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo thuận lợi cho huyện trong phát triển kinh tế - xã hội”. H.Thống Nhất có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây sau này sẽ là chợ cung cấp sản phẩm sạch cho khu vực phía Nam.
Dự kiến của tỉnh là sẽ phát triển khu vực cửa ngõ phía Đông thành nơi có công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển, gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương, hình thành khu đô thị xanh gắn với các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, xứng với tiềm năng.
Nguồn: Báo Đồng Nai