Trong bối cảnh BĐS Tp.HCM liên tục khan hiếm nguồn cung trong những năm qua thì các khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang là những nơi bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường.
Nhận định về xu hướng của thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, BĐS lân cận Tp.HCM đang có nguồn cung sản phẩm khá dồi dào. Nếu trước đây, các khu vực như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… chỉ xuất hiện phân khúc đất nền phân lô thì hiện nay xuất hiện đa dạng các sản phẩm từ đất nền, nhà phố, biệt thự đến căn hộ.
Với bối cảnh mà BĐS Tp.HCM đang khan cung, mặt bằng giá cao thì những BĐS lân cận này lại được hưởng lợi về sức mua với lợi thế giá còn thấp hơn.
Tuy vậy, theo ông Hoàng, BĐS tỉnh lân cận Sài Gòn đã trải qua các đợt sốt thời điểm trước sau khi có những quy hoạch về sân bay, cầu, đường, và hiện mặt bằng giá đã thay đổi rất nhiều so với trước. Dự báo, ở các thị trường này giá có thể tiếp tục tăng khi các dự án hạ tầng giao thông đi vào khởi công.
Theo ông Hoàng, không loại trừ khả năng vin vào cớ khan hiếm nguồn cung trên thị trường mà một số khu vực thổi giá BĐS. Ở một vài thị trường, hiện tượng nhiều NĐT cùng lúc lao vào rồi đẩy giá lên là có. Tuy nhiên, đến thời điểm khi giá đã lên ngưỡng quá cao, NĐT khác chịu không nỗi, không còn nhìn thấy lợi nhuận thì chắc chắn giá sẽ phải dừng lại, không thể lên mãi được. Ông Hoàng cho rằng, NĐT hiện nay họ cũng rất nhanh nhạy, nhìn thấy thị trường biến động họ sẽ linh động để thay đổi.
Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc CBRE Vietnam cho rằng, thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển của cả doanh nghiệp BĐS lẫn người mua. Trong đó, phần lớn khách hàng mua các dự án BĐS tỉnh lân cận đến từ Tp.HCM, điều đó có nghĩa là nhu cầu tìm kiếm BĐS ven Sài Gòn của các NĐT còn khá lớn.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thực tế quỹ đất tại Tp.HCM không phải là đã cạn kiệt như nhiều người lầm tưởng. Khảo sát các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn vẫn còn nhiều mảng xanh song đây là quỹ đất nông nghiệp. Những khu vực này vẫn chưa có sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng giá cả đất đai cũng đã tăng khá cao, vượt qua tầm với của phần lớn người dân, tạo ra rào cản lớn với những dòng vốn nhỏ.
Các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở. Các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai là các địa bàn nổi bật trong những năm qua.
Theo ông Khương, với những nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính khiêm tốn, việc mua đất có diện tích nhỏ tại khu vực vùng ven là giải pháp hợp lý. Nhiều người có số vốn vài trăm triệu đã chọn mua đất tại các thị trường vùng ven. Sau 3-5 năm giá đất biến động có thể thu về vài tỷ đồng, họ tính đến chuyện dịch chuyển dần về Sài Gòn.
Ông Khương cho rằng, mặc dù hạ tầng đang được xem là đòn bẩy để tăng giá trị bất động sản, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng để không gặp rủi ro. Bởi giá trị bất động sản, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật còn cần có sự phát triển của hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế... để thu hút người dân về sinh sống.
Theo ông Nguyễn Hoàng, không hẳn việc NĐT Tp.HCM đổ về tỉnh lân cận để săn BĐS là khẳng định cho việc BĐS TP mất đi lượng khách lớn. Bởi thị trường BĐS Tp.HCM còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển về tỉnh cho thấy, các thị trường nơi đây đang bổ trợ nguồn cung và nhu cầu cho thị trường BĐS Tp.HCM. Về dài hạn, cơ hội cho BĐS tỉnh lân cận Sài Gòn còn rất lớn, nhưng cũng cần nhìn vào hạ tầng xã hội, sự biến động dân cư khu vực, chứ không phải chạy theo đám đông hay ồ ạt tấn công vào một thị trường đang có dấu hiệu nóng.
Theo Hạ Vy - Tri Thức Trẻ