Một hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với 8 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa được diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 30-5. Với đóng góp hơn 40% vào nền kinh tế đất nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò rất quan trọng, tạo động lực cho cả nước phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các tỉnh, thành khảo sát địa điểm xây dựng cầu Phước An nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO LÊ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nhưng đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương của vùng đều thể hiện tinh thần đoàn kết, giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trước đó. Ghi nhận sự đóng góp của vùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay sẽ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng một cơ chế đặc thù để các địa phương có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Hạ tầng, đất đai là nguồn lực phát triển
Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh, thành trong khu vực đều kiến nghị đầu tư xây dựng hạ tầng tạo động lực cho phát triển.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết để những dự án giao thông có tính chất liên kết giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các tỉnh trong vùng và với miền Tây được nhanh chóng triển khai. Trong đó, dự án Cầu Phước An kết nối với miền Tây thông qua đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai của tỉnh.
Tương tự, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 TP.HCM bằng vốn vay ODA Nhật Bản. Các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước cũng kiến nghị sớm bố trí vốn cho dự án giao thông kết nối như: đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa, TP.HCM - Long An - Tiền Giang, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư, đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư...
Đối với Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng cần phải có quy hoạch vùng để các địa phương thuận lợi trong việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương cửa ngõ của cả vùng nên nhiều tuyến đường cao tốc đi qua cần phải được triển khai sớm. Trước mắt, tỉnh kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Ngoài vấn đề về giao thông, Đồng Nai cũng đã chủ động dự trù nguồn đất để xây dựng mới các khu công nghiệp, đón đầu dịch chuyển đầu tư trong những năm sau. Do vậy, tỉnh mong muốn sớm được chấp thuận bổ sung thêm 2 khu công nghiệp là Phước An quy mô 330ha và Phước Bình 2 quy mô 590ha vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020.
Biểu đồ thể hiện mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 và chỉ tiêu năm 2020 của các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thông tin: Đào Lê - Đồ họa: Hải Quân)
Trước những kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 8 tỉnh là "bát giác kim cương", là vùng trọng điểm của các vùng trọng điểm của cả nước. Có vai trò là động lực tăng trưởng, nếu vùng này tăng trưởng cao thì cả nước sẽ tăng trưởng cao và ngược lại. Do đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu cơ chế đặc thù cho vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách. Đồng thời, giao nghiên cứu gói hỗ trợ đầu tư của Chính phủ để triển khai các dự án trọng điểm, công trình quan trọng, cấp bách về giao thông, hạ tầng.
“Giao thông, giao thông và giao thông, hạ tầng, hạ tầng và hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quy hoạch tốt để đón đầu dịch chuyển "làn sóng" đầu tư
Theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19. Đó là thành quả được cả thế giới công nhận. Nhờ thực hiện các quyết sách kịp thời, liên tục, đúng đắn và đi trước với sự ủng hộ của nhân dân, nên dịch bệnh không bị lây lan ra cộng đồng.
“Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép: Kiên quyết chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn” - Thủ tướng cho biết.
Việc sớm khống chế được dịch bệnh là điều kiện để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh và đón đầu cơ hội dịch chuyển làn sóng đầu tư quốc tế. Tuy nhiên chúng ta có đón được "sóng" đầu tư hay không còn cần cả một sự nỗ lực lớn. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là những địa phương tiên phong trên lĩnh vực này.
"Chúng ta phải đạt mục tiêu về đích sớm hơn tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Đây là một đòi hỏi của thực tiễn và cũng là một mệnh lệnh của lịch sử. Bởi, các vùng đều có những lợi thế so sánh riêng" - Thủ tướng nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu có cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hỗ trợ đầu tư để các địa phương sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối quan trọng. Muốn làm được điều này, các địa phương cũng phải đoàn kết, nắm tay nhau cùng phát triển. Đồng thời, dành quỹ đất phù hợp để phát triển với lợi thế từng địa phương, không làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”.
Thủ tướng gợi ý, các tỉnh, thành Vùng kinh tế phía Nam cần phát triển các khu công nghiệp lớn, đô thị thông minh, với nguồn nhân lực chất lượng, hạ tầng tốt để đón thời cơ nguồn vốn đầu tư chất lượng cao đang dịch chuyển vào Việt Nam. Các tỉnh, thành như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương phải thu hút đầu tư công nghệ cao, từ đó lan tỏa ra các địa phương khác.
Đối với những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp từ 55-60%, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT điều chỉnh, mở rộng hoặc quy hoạch để đón "làn sóng" đầu tư thu hút đầu tư mới. Bộ TN-MT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho khu công nghiệp, khu đô thị.
Tuy nhiên, "đón sóng" đầu tư nhưng cũng cần phải cảnh giác, đặc biệt là việc "thôn tính" DN Việt Nam. Thủ tướng lưu ý phải ngăn chặn cho được tình trạng DN Việt Nam bị nước ngoài "thôn tính" thông qua hình thức mua bán và chống tình trạng doanh nghiệp bị phá sản. “Nhiệm vụ giữ được cốt lõi, giá trị DN Việt chính là giữ cho sự ổn định, sức mạnh nội tại của nền kinh tế khi cạnh tranh với các quốc gia khác” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cơ chế chính sách riêng cho vùng
“Việc hình thành một thể chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm sẽ là kim chỉ nam để hiện thực hóa các tầm nhìn. Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng đang là điểm nghẽn, nhất là đẩy nhanh việc hoàn thiện các tuyến cao tốc; thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao và các cụm ngành kinh tế để tăng lợi thế cạnh tranh cho vùng. Cần có tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp đối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng thiết lập cơ chế đối ứng ngân sách giữa vùng và Trung ương, cho phép địa phương giữ lại một tỷ lệ ngân sách phù hợp để chủ động triển khai các dự án phát triển” - chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fullbright tại Việt Nam cho biết.
Theo baodongnai.com.vn